GIÁM SÁT CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP

Giám sát xây dựng hay còn gọi là giám sát thi công công trình xây dựng là hoạt động được luật hóa và ghi nhận trong Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Giám sát xây dựng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng về quá trình và kết quả thi công công trình. Thực tế, thuật ngữ giám sát xây dựng rất ít được sử dụng, người ta hay nhắc đến giám sát công trình hay giám sát thi công nhiều hơn, nhưng bản chất chúng là một.

Kiến trúc sư đang theo dõi giám sát công trình ảnh: nguồn internet

Giám sát xây dựng là gì?

Giám sát xây dựng là hoạt động giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Người thực hiện hoạt động giám sát xây dựng phải được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát xây dựng phù hợp với từng hạng theo quy định của pháp luật.

Giám sát xây dựng là nghĩa vụ bắt buộc đối với hầu hết các công trình xây dựng, còn đối với nhà ở riêng lẻ thì không, tuy nhiên, nhà nước vẫn khuyến khích giám sát xây dựng đối với công trình này.

Để đảm bảo hoạt động giám sát xây dựng có đạt được hiệu quả, pháp luật đặt ra các yêu cầu đối với giám sát xây dựng, chẳng hạn: đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng; Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

Giám sát thi công công trình xây dựng

Giám sát thi công công trình xây dựng được thực hiện bởi bởi chủ đầu tư (nếu đủ điều kiện năng lực) hoặc tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực (được chủ đầu tư thuê). Dù chủ thể nào thực hiện giám sát thì việc tuân thủ các quy định pháp luật về nội dung giám sát là điều đương nhiên, tuy nhiên, giám sát thi công của chủ đầu tư có thể sẽ rộng hơn, chủ đầu tư hoàn toàn có thể thuê tổ chức giám sát một trong các nội dung luật định mà không bắt buộc phải thuê trọn gói.

Nội dung thực hiện giám sát thi công công trình xây dựng được quy định tại Khoản 1, Điều 19, Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, cụ thể:

– Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;

Đây là nhiệm vụ quan trọng, chứng minh sự lựa chọn của nhà đầu tư đối với nhà thầu là đúng đắn, đồng thời có những đóng góp ý kiến phù hợp để giúp nhà thầu kịp thời khắc phúc và bổ sung các yếu tố quan trọng, đặc biệt là nhân lực và thiết bị thi công. Việc kiểm tra có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó đòi hỏi phải có sự đối chiếu giữa giấy tờ và thực tế để thấy được các yêu cầu một cách rõ ràng và chính xác nhất.